TS.BS Phạm Hưng Củng – Viện trưởng Viện khoa học và điều dưỡng phục hồi chức năng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thực phẩm chức năng VN – cho biết, béo phì, đái tháo đường và các bệnh về tim mạc đang là những “căn bệnh thế kỷ” không lây nguy hiểm.
Thống kê trên thế giới cho thấy, mỗi phút có 6 người chết vì bệnh tiểu đường, cứ 2 giây có một người chết vì tim mạch và 5 giây lại có một người chết vì nhồi máu cơ tim…
Tại Việt Nam, những căn bệnh này đang có xu hướng tăng, trong đó bệnh đái tháo đường nước ta đang ở mức tăng nhanh nhất thế giới, khoảng 10% mỗi năm. Và 65% số người trong đó không biết mình bị bệnh.
Chữa bệnh tiểu đường bằng ăn uống được coi là cách chữa cơ bản nhất. Người bệnh cần có chế độ ăn uống, kiêng khem và sinh hoạt phù hợp. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm có tác dụng hỗ trợ tốt trong việc điều trị căn bệnh này.
Ngũ cốc nguyên hạt
Gạo trắng ít chất xơ và chứa nhiều đường gluco nên dễ làm đường huyết tăng nhanh, vì vậy đa số bệnh nhân đái tháo đường thường được các bác sĩ khuyên không nên ăn nhiều gạo trắng. Nhưng không vì thế mà mọi người đánh đồng tất cả ngũ cốc đều giống gạo trắng. Cũng thuộc họ ngũ cốc nhưng các loại như gạo lứt, các loại đậu còn nguyên vỏ… lại có công dụng khá tốt với bệnh nhân đái tháo đường vì chúng thuộc loại ngũ cốc giàu chất xơ.
Ngũ cốc nguyên hạt là các hạt ngũ cốc có chứa đủ 3 thành phần: phôi, nội nhũ và cám. Ngũ cốc nguyên hạt chủ yếu bao gồm gạo lứt, ngô, kê, gạo tím, cao lương, yến mạch, kiều mạch, diêm mạch, lúa mỳ, mè đen và các loại đậu khô còn nguyên vỏ như đậu nành, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng….
Ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng chất xơ, khoáng chất và vitamin cao. Theo các chuyên gia, ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 lên đến 30%.
Những người mắc bệnh tiểu đường nên cố gắng thay thế ngũ cốc đã được tinh chế bằng ngũ cốc nguyên chất. Những loại ngũ cốc tinh chế như bột mì trắng đã bị làm sạch lớp cám và phần mềm tinh bột, trong khi đó các loại ngũ cốc nguyên chất như bột yến mạch, gạo nâu, lúa mạch, diêm mạch và bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên chất vẫn giữ lại được những chất cám này.
Càng ăn nhiều thực phẩm chứa ngũ cốc nguyên hạt thì lượng insulin trong máu càng thấp. Insulin là một loại hormone chịu trách nhiệm giữ cho lượng đường trong máu (đường huyết) không bị lên quá cao – vì đường huyết cao là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Lượng insulin thấp ở những người khỏe mạnh cho thấy hormone này hoạt động có hiệu quả. Lượng insulin vượt quá không được sử dụng để giữ cho lượng đường huyết cân bằng.
Chất đạm từ thịt nạc và cá
Đối với chất đạm: Hạn chế tối đa thịt hộp, patê, xúc xích… thay vào đó hãy ăn cá, trứng, sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, đậu… nên ưu tiên ăn các loại cá. Người bệnh nên sử dụng các loại thịt nạc, lọc bỏ mỡ đặc biệt là thịt bò bởi trong chúng có chứa nhiều axit linoleic tổng hợp (CLA) có khả năng cải thiện chức năng chuyển hoá lượng đường ở trong máu, ngoài ra còn có công dụng chống ung thư.Tránh tuyệt đối da gà, da vịt bởi nó có chứa rất nhiều cholesterol. Nên chọn cách chế biến là luộc, kho, nướng hơn là chiên
Ăn cá ít nhất 2 lần/tuần: Cá là nguồn cung cấp ra chất béo & chất đạm thay thế cho thịt rất tốt. Các loại cá như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá thu rất giàu axit béo omega-3 không những tốt cho người mắc bệnh tiểu đường mà còn có lợi ích lớn cho sức khỏe tim mạch. Bạn nên chế biến cá ở dạng hấp, súp, nấu không nên chế biến cá bằng cách rán hoặc chiên mỡ.
Sử dụng thực phẩm chứa chất béo lành mạnh – là các chất béo không bão hòa
Những người bị đái tháo đường thường có bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ kèm theo và có nguy cơ cao đối với bệnh tim mạch, theo đó điều quan trọng là phải có nhận biết về việc sử dụng chất béo có lợi trong chế độ ăn.
Chất béo bão hòa là một loại chất béo gây nguy hại nhất cho người bệnh tiểu đường. Chất béo bão hòa được tìm thấy chủ yếu trong sản phẩm động vật như thịt đỏ hay thịt từ động vật, các loại sữa và trứng. Các loại dầu mỡ từ thịt lợn, thịt gà cũng chính là chất béo xấu. Các loại chất béo này vào cơ thể làm tăng hàm lượng cholesterol xấu, tích tụ mỡ thừa, gây khó khăn trong quá trình kiểm soát lượng đường trong máu của người bệnh, từ đó tăng đường huyết đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bên cạnh các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa hay còn gọi là chất béo xấu, vẫn có những loại thực phẩm chứa chất béo lành mạnh – là các chất béo không bão hòa. Các loại thực phẩm với chất béo lành mạnh bao gồm hạnh nhân, lạc, hồ đào, hạt vừng, ô liu, dầu oliu, bơ và dầu hạt cải. Các loại cá biển cũng có nhiều axit béo có tác dụng làm giảm đáng kể lượng cholesterol có hại, thay vào đó là những cholesterol có lợi.
Rau xanh và trái cây :
Rau xanh & trái cây là những nguồn chất xơ, vitamin và khoáng chất tự nhiên dồi dào. Đồng thời, đây cũng là những loại thực phẩm có hàm lượng chất chống oxy hóa & hợp chất phytochemical cao, có công dụng thúc đẩy hệ thống miễn dịch cơ thể.
Một số loại rau củ như mù tạt xanh, củ cải, cải xoăn, bông cải xanh, rau bina… là những loại thực phẩm lý tưởng dành cho người bệnh tiểu đường. Các thực phẩm này có chứa hàm lượng chất carbohydrat & calo thấp.
Các loại trái cây tươi chứa ít đường như bưởi, cam, quýt, táo… là món ăn cung cấp rất nhiều vitamin tốt cho người mắc bệnh đái tháo đường. Mặc dù một số loại trái cây có thể cung cấp cho bệnh nhân một lượng đường nhất định nhưng đó là loại đường chậm (tức là đường cần phải trải qua quá trình tiêu hóa mới trở thành đường hấp thu vào trong cơ thể) nên sẽ giúp cho lượng đường ở trong máu không quá cao hay quá thấp đồng thời còn cung cấp thêm chất xơ có ích & chất khoáng chứa vcom giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Thay thế sữa bò bằng các loại sữa hạt không đường
Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã tìm ra mối liên quan giữa sữa bò và bệnh đái tháo đường type 1.
Hệ miễn dịch của con người đã nhận lầm Protein trong sữa bò (Casein) với các tế bào β của cơ thể, và sẽ tấn công các tế bào đó và gây ra bệnh tự miễn và đái tháo đường Type 1.
Ngoài ra, sữa nguyên kem còn chứa lượng lớn chất béo, chúng sẽ gây ra béo phì và hàng loạt rối loạn chuyển hóa khác.
Với các loại hạt giàu dinh dưỡng, omega 3, chất béo không bão hòa… như macca, óc chó, hạnh nhân sẽ giúp cơ thể chủ động ngăn ngừa nhiều bệnh tiểu đường. Sữa từ hạt còn góp phần làm chậm quá trình lão hóa cơ thể và hỗ trợ giảm cân. Cần lưu ý khi sử dụng cần chọn loại không thêm đường để đảm bảo đạt hiệu quả hỗ trợ chữa bệnh cao nhất.
Giữ vững thành phần và thời gian ăn là quan trọng, kết hợp với thể dục thể thao thường xuyên là phương pháp điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chế độ ăn cụ thể phải dựa trên từng bệnh nhân, cân nặng, lượng đường trong máu, bệnh đã có các biến chứng hay chưa. Do vậy cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang theo dõi và điều trị.